Lượt xem: 2508

Ông Nguyễn Trung Thành làm giàu từ mô hình trồng dưa leo

Với 05 công đất vườn và 10 công đất ruộng, trước đây, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Trung Thành ở ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, chỉ tạm đủ ăn. Cả nhà lao động vất vả quanh năm, suốt tháng chỉ mong có cuộc sống tươm tất hơn. Năm 2016, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn, diện tích lúa bị mất trắng, do đó ông Thành chuyển từ diện tích sản xuất lúa sang trồng màu. Và từ sự chuyển đổi này, đã mở ra một cơ hội mới cho gia đình ông vươn lên làm giàu.

    Được chính quyền địa phương, nhất là các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, để thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn, ông Nguyễn Trung Thành quyết định chuyển 5.200 m2 đất ruộng, lên liếp sang trồng màu. Ban đầu do thiếu vốn, nên ông trồng bí rợ, khi thu hoạch lợi nhuận cũng không được bao nhiêu. Tình cờ, ngồi xem tivi vào buổi tối, ông thấy chương trình khuyến nông giới thiệu mô hình trồng dưa leo cho thu nhập cao, thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, dễ chăm sóc lại dễ tiêu thụ nên ông đã trồng thử

    Ông Thành cho biết: “Ban đầu, tôi tận dụng liếp trồng bí rợ có sẵn, chỉ cải tạo lại, rãi rơm, mua lưới, cây tre (làm giàn) và giống dưa leo, diện tích 1,5 công trồng chi phí khoảng 15 triệu đồng. Sau hơn 01 tháng chăm sóc, dưa leo đã đến kỳ thu hoạch, giá bán từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Sau 20 ngày thu hoạch, tổng số tiền bán dưa leo được hơn 17 triệu đồng, trừ đi khoảng chi phí đầu tư ban đầu, lời cũng không bao nhiêu”.


Ông Thành và vườn dưa leo của mình. Ảnh Sóc Ca

    Lần đầu trồng dưa leo, ông Thành gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn, lẫn kinh nghiệm, chưa hiểu nhiều về khoa học kỹ thuật nên năng suất không cao. Tuy vậy, nhưng ông không bỏ cuộc, ông Thành tiếp tục tìm tòi kỹ thuật trồng trọt, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt nhu cầu thị trường. Đầu tháng 07-2016, ông Thành chuyển từ giống dưa leo 339 Nam Việt sang trồng dưa leo 689 Tân Thành và thu được kết quả khả quan. Vụ này sau khi thu hoạch ông trừ đi tất cả chi phí (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí lên liếp) ông còn lợi nhuận trên 34 triệu đồng. Từ thành công ban đầu, ông Thành tiếp tục cải tạo, làm bờ bao, bơm nước vào ruộng để giảm chi phí và thời gian tưới tiêu. Thấy trồng dưa leo đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, ông Thành quyết định tăng thêm vụ trong năm. Với diện tích 5.200m2, ông chia làm 03 phần, rồi xuống giống rãi vụ, cứ cách từ 25 đến 30 ngày thì ông xuống giống một đợt, do đó vườn dưa leo của ông cho thu hoạch quanh năm.

    Ông Thành chia sẻ: “Việc trồng dưa leo cũng không quá khó, hay phức tạp, chủ yếu vị trí đất trồng phải được lên liếp, có lắp đặt cống để lấy nước ra vào; đối với tháng mùa mưa ít tưới nước nhưng phải chú ý, nếu bị ngập sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng thậm chí dưa leo sẽ bị úng, chết dây trên diện rộng. Ngược lại, vào mùa nắng phải thường xuyên bơm tưới nước để mặt đất có độ ẩm phù hợp với điều kiện phát triển của dưa leo. Nếu có điều kiện thì phủ bạt trên dàn trồng dưa để giữ ẩm đất và ngăn không cho cỏ dại mộc, không tốn công làm cỏ, giảm lượng phân bón”.

    Nắm bắt nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, ông Thành sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ… để phục vụ sản xuất. Từ đó nông sản của ông được các thương lái ưa chuộng, đến thu mua tại vườn với giá cao. Ông Thành cho biết: “Tôi trồng dưa leo đã 4 - 5 năm nay, giá dưa thấp nhất cũng được 3.000 đồng/kg, có vụ tôi bán với giá 13.000 đồng/kg. Hiện tôi cất được một căn nhà trị giá trên 400 triệu đồng, chỉ một năm trồng dưa leo”.

    Đồng chí Lý Minh Nghĩa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Khánh cho biết: “Tuy diện tích màu của địa phương không nhiều, nhưng một số nông dân ở ấp Trường Lộc đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa, đất vườn kém hiệu quả sang trồng màu, điển hình như hộ ông Nguyễn Trung Thành với mô hình trồng dưa leo đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, thông qua phong trào đã giúp nông dân ứng dụng có hiệu quả khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm dần việc sản xuất độc canh canh lúa, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Đây là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình và liên kết tạo đầu ra sản phẩm cho nông dân; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông sản gắn với an toàn thực phẩm, hướng đến xây dựng thương hiệu cho nông dân”.

    Có thể nói, với sự nhanh nhạy của mình, nhiều nông dân đã chủ động trong sản xuất, tích cực chuyển đổi sang những cây trồng, vật nuôi mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, qua đó không những đảm bảo được thu nhập, mà còn mở ra hướng đi mới, thích ứng hạn hán, xâm nhập mặn và những cực đoan của thời tiết trong tương lai. Không chỉ đối với người nông dân xã Trường Khánh, mà còn có thể nhân rộng ra các địa phương khác trong huyện.

    Với thu nhập trung bình từ 250 - 300 triệu đồng/năm từ mô hình trồng dưa leo của ông Nguyễn Trung Thành, bà con nông dân nên suy nghĩ, để thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích hợp, đặc biệt là các ngành chức năng cần tìm các giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân an tâm đầu tư sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.

Sóc Ca



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 51
  • Hôm nay: 7966
  • Trong tuần: 78,673
  • Tất cả: 11,801,993